Đỗ Thiền Đăng
Sáng nay, dù không phải buổi sáng đầu tiên thức dậy trong căn phòng của cô, tôi vẫn cảm thấy lòng hân hoan kỳ lạ. Trời đầy sương lạnh buốt. Cạnh ô cửa sổ, những chiếc lá đinh lăng còn đọng sương sáng lấp lánh đang run lên nhè nhẹ. Bên ngoài, dưới vòm cổng, cô đang cúi mình nhặt lá. Trên nền đất màu nâu cứng, những cánh hoa huỳnh anh vàng rực rỡ mới rụng hồi đêm còn tươi rói nằm rải rác trông rất thích mắt. Cô không bao giờ quét hoa vào mỗi sáng. Đó là thói quen rất độc đáo của cô. Mỗi sáng, cô dậy sớm nhặt lá đem bỏ vào một góc ở khoảnh vườn. Lần đầu tiên hình ảnh đó đập vào mắt tôi, trong tôi đã rung lên một cảm xúc mãnh liệt. Cảm xúc đó vẫn vẹn nguyên cho đến tận bây giờ, khi tôi không còn học với cô nữa.
Hồi đó tôi học lớp chín. Cô là cô giáo dạy văn kiêm chủ nhiệm lớp. Dạy văn mà bắt gặp ánh mắt đồng cảm từ phía học trò thôi cũng đủ gây cảm hứng và hạnh phúc rồi em ạ. Tôi nhớ cô đã nói với tôi như vậy.
Trong lớp, tôi học giỏi văn. Tôi nghe như nuốt những lời cô giảng và có thể đọc rất diễn cảm từng đoạn trích Truyện Kiều. Có lẽ vì thế mà cô thương tôi. Bài làm văn của tôi bao giờ cũng nhỉnh điểm hơn Tâm. Tâm là lớp phó học tập. Cô ta năng nổ và học giỏi đều các môn, trong khi tôi chỉ giỏi mỗi môn văn. Tâm không thích tôi. Tâm cho rằng điểm văn của tôi không đáng để tự hào, dù rằng tôi chưa bao giờ tự hào về số điểm của mình. Tôi im lặng vì không muốn gây bất hòa với ai cả. Thế nhưng Tâm cho rằng tôi "hách", không coi Tâm ra gì. Vì thế mà Tâm đã "chơi" tôi một vố rất đau. Tâm đã "hạ bệ" tôi - Như lời Tâm nói.
Đó là hôm cô bận việc không đến lớp được. Cô viết giấy bảo lớp sinh hoạt thảo luận các vấn đề văn học. Lớp cử tôi chủ trì cuộc thảo luận. Có rất nhiều vấn đề được đặt ra xung quanh các bài văn học nhà trường, như làm thế nào để nhận định cái hay trong một bài thơ, làm thế nào thấu được nội tâm nhân vật, qua đó hiểu được tác giả. Các bạn thảo luận rất sôi nổi, chỉ có Tâm là im lặng. Cô t lơ đễnh nhìn ra cửa sổ. Lát sau, không khí có vẻ lắng xuống vì đề tài thảo luận đã cạn thì Tâm đứng dậy đặt một câu hỏi hết sức hóc búa: "Trong bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận có câu: Sóng đã cài then, đêm sập cửa/ Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi. Tác giả lầm chăng khi cho rằng cài then rồi mới sập cửa?".
Cả lớp im phăng phắc. Ai nấy nhăn trán suy nghĩ. Nhưng chịu. Mọi cặp mắt bắt đầu hướng về phía tôi chờ đợi. Sau một lúc suy nghĩ, tôi chậm rãi phát biểu:
- Thưa các bạn, theo mình thì Huy Cận không hề lầm khi đưa ra hình ảnh ấy. Bởi lẽ lô- Gíc thơ chính là lô- Gíc của tâm hồn. Đem lô- Gíc thực tiễn áp đặt vào thơ sẽ có sự khập khiễng. Với lại, khi đọc hai câu thơ đó, người hiểu thơ ít ai thắc mắc.
Cả lớp vỗ tay rào rào tán thưởng. Tâm khẽ cắn môi rồi bình thản tiếp:
- Mình còn một câu hỏi nữa.
Cả lớp hướng về phía Tâm. Ai cũng biết lớp phó đang cố bắt bí tôi:
- Theo mình biết, sau khi đánh tan quân Minh, Nguyễn Trãi đã soạn Bình Ngô đại cáo. Lạ là làm sao cụ không viết Bình Minh mà lại viết Bình Ngô?
Với câu hỏi này, tôi lúng túng thật sự. Tôi không trả lời được. Lớp cũng không ai trả lời được. Trong khi đó Tâm vẫn chưa chịu ngồi xuống. Tôi hướng về phía Tâm, thân thiện bảo:
- Câu này thì tụi mình bí thật rồi. Tâm có thể nói cho cả lớp cùng biết được không?
Tâm cười cười nửa miệng:
- Giỏi văn như Lan mà trả lời không được thì mình sao biết. Mình chỉ thắc mắc vậy thôi chứ có hiểu gì đâu...
Tâm thật quá đáng mà. Tôi ức nghẹn lên cổ, không nói được lời nào. Mặt tôi đỏ bừng, nước mắt chực trào ra. Tôi cảm thấy giận Tâm thì ít mà giận mình thì nhiều. Một điều quá đơn giản như thế mà sao tôi lại không biết cơ chứ. Sao lúc học bài ấy, tôi lại không có chút thắc mắc gì. Cô chẳng đã từng dạy bọn tôi khi học phải tựâu hỏi tại sao nó lại thế đó sao?
... Tôi hỏi thăm đường đến nhà cô. Nhà cô nằm trong một con hẻm nhỏ yên tĩnh với một vòm cổng bằng hoa huỳnh anh vàng rực rỡ. Tôi đứng tần ngần rất lâu trước vòm hoa ấy, ngạc nhiên khi thấy những cánh hoa vàng rải rác trên nền đất nâu mà không có bóng dáng một chiếc lá nào.
- Ồ, Lan đấy à. Đến có việc gì không em? - Cô nhìn tôi vui vẻ.
Tôi theo cô vào nhà. Nhà cô vắng vẻ lạ lùng. Trên cái kệ gỗ toàn sách là sách có ghi hai câu thơ của Nguyễn Trãi:
Cả[2] cửa đêm chờ hương quế lọt
Quét hiên ngày lệ[3] bóng hoa tan.
Tôi thèm thuồng nhìn ngắm kệ sách. Cô bảo:
- Nếu thích, em có thể đến đây đọc sách, phòng riêng của cô nên không có gì phiền đâu. À, ban sáng lớp thảo luận tốt chứ em?
Tôi đem chuyện buổi sáng ra kể. Cô cười:
- Ừ, lỗi cũng tại cô chưa dạy các em. Đơn giản chỉ vì Chu Nguyên Chương dựng nên triều Minh là người đất Ngô nên ta còn gọi giặc Minh là giặc Ngô, và đó cũng là cách gọi khinh thị của người Việt đối với phương Bắc xâm lược em à!
Cô lại cười:
- Mà kể ra Tâm nó hỏi được những câu như vậy cũng giỏi, phải không?
Sau lần đó, tôi thường đến nhà cô. Có lần tôi và cô tranh luận một bài thơ đến khuya vẫn chưa ngã ngũ. Ba tôi đến nhà cô tìm tôi, thấy hai cô trò say sưa như vậy liền bảo: "Nếu muốn, con có thể ngủ lại với cô cũng được", rồi yên tâm ra
Nhờ vậy mà tôi ngày càng gắn bó với cô. Cô coi tôi như em và tôi cũng xem cô như chị của mình. Đó là những tháng ngày rất đáng nhớ. Tôi bắt đầu quen từng quyển sách, từng ngăn bàn trong căn phòng của cô. Và, bây giờ nhắm mắt lại, tôi vẫn cảm nhận rất rõ hơi ấm và cả mùi người thân quen của cô nữa.
Mặt trời đã nhu nhú lên khỏi rặng cây, tỏa xuống những tia nắng ấm áp đầu ngày. Tôi lười biếng kéo chăn trùm kín đầu, nghe tiếng chân của cô đi rất nhẹ về phía cuối vườn. Cô đi đổ lá ở đó. Đêm rồi, tôi và cô trò chuyện cho đến hơn nửa đêm mới ngủ. Lần đầu tiên cô kể cho tôi nghe những tháng ngày trung học của cô, về người dượng ghẻ khắc nghiệt. Tôi không ngờ từ lúc bằng tuổi tôi, cô đã phải chịu nhiều đau khổ và có một ý chí vững vàng như thế.
- Em còn nhớ Xuyến Chi không? - Cô hỏi tôi.
Dĩ nhiên là tôi nhớ. Xuyến Chi bé nhỏ, da trắng, hay ngồi bàn đầu. Cô từng khen Chi có lối trình bày vở đẹp. Cuối mỗi bài, Chi không dùng thước kẻ như những bạn khác mà dùng bút đỏ đóng khung tựa đề mới. Ngày xưa cô cũng trình bày như vậy. Có lần lên bảng trả bài, cô đã được thầy khen hết lời. Thầy gật gù và lật tới lật lui quyển tập của cô rất lâu.
Dạo đó, nhà cô còn rất nghèo. Mẹ cô suốt ngày cặm cụi bên bàn máy may xọc xạch, vắt kiệt sức mình để lo cho cô và đứa em trai đi học. Đến lúc mẹ sinh cho dượng một đứa con, gánh nặng mưu sinh càng đè nặng hơn lên đôi vai gầy guộc ấy. Mỗi ngày đi học về, cô lo toàn bộ việc nhà, kể cả việc giặt đồ cho dượng và phụ mẹ luôn tà, đơm cúc. Dượng ghẻ cô làm ruộng, người trông đen đủi, gầy còm, tánh tình cục mịch, khó chịu. Thỉnh thoảng ông lại uống rượu, chửi mắng và bắt cô phải nghỉ học.
Cô nhớ hôm đó là một ngày cuối năm. Cô đi thăm thầy chủ nhiệm rồi cùng đám bạn đi chơi đến chiều tối mới về.
- Giờ về chắc là bị đòn rồi! - Cô nói với mấy đứa bạn như thế.
Hưng và Nguyên, hai cậu con trai rất thích cô, nói:
- Để tụi này đưa Linh về và chịu đòn thế!
- Thật không?
Cô hỏi. Cả hai bảo thật. Vậy mà khi đến đầu ngõ, tụi nó "rét" quá, rụt lại. Dượng cô đang đứng giữa sân, mặt ngầu ngầu rượu, tay cầm một cái roi dài:
- Mày đi đâu giờ này mới về hả. Đồ hư! Mới chừng này tuổi đầu mà bày đặt gái trai!
Ông quất cô túi bụi. Cô cắn răng không khóc, lẳng lặng ra thẳng sau nhà lo cơm nước. Cô thoáng thấy mẹ ngồi khóc lặng lẽ bên bàn máy. Dượng xộc thẳng vào nhà, la oang oang:
- Tao cấm mày đi học! Lo cho mày, tưởng mày học đàng hoàng. Hừ, thì học này...
Vừa nói, dượng vừa hất tung chồng tập của cô xuống. Chưa hả, ông lại lượm lên xé toạc của cô mấy quyển tập nữa. Cô đứng sau kẽ vách nhìn, lòng đau đớn nhưng mặt dửng dưng như không.
- Đông đâu! Hốt mớ này đi đốt cho tao!
Dượng quát em cô. Đông vội cuống cuồng hốt hết mớ tập sách bỏ vào bao đem giấu sau bụi chuối.
Hôm sau, cô nghỉ học mà không xin phép. Cô và Đông ngồi xếp lại từng quyển tập rồi lấy dây thun ràng lại. Hôm sau nữa cô đến lớp, chân cà nhắc, tay vẫn còn vài vệt bầm. Nhỏ Hoa ngồi cạnh cô xuýt xoa luôn miệng. Hưng và Nguyên thì nhìn cô vẻ ái ngại. Khổ nỗi hôm đó cô lại bị thầy gọi lên trả bài. Cô nhớ thầy ngạc nhiên như thế nào khi nhìn quyển tập bị rách ấy. Nhưng thầy không nói gì. Lúc ra về, thầy gọi cô lại hỏi. Lúc đó cô mới khóc được một trận thỏa thuê. Mãi sau này cô vẫn biết ơn thầy lắm...
Năm cô học lớp mười hai, dượng bảo:
- Mày đi thi rớt thì phải ở nhà phụ mẹ!
- Nếu con thi đậu dượng sẽ cho con vào đại học chứ? - Cô hỏi.
Dượng lặng im không nói. Cuối năm, cô đậu tú tài, dự định thiSư phạm thì dượng bảo:
- Thi vào ngành đó có mà chết đói à?
Dượng không muốn cô làm giáo viên. Nhưng ý cô đã quyết rồi thì không có gì lay chuyển được. Dượng giận lắm, cấm mẹ không được cho cô tiền đi thi. "Nó cãi cha mẹ, xem không có tiền nó làm được gì!". Cô mặc. Cô xếp áo quần, sách vở lên phố đi thi với vài chục ngàn dành dụm được. Khi cô bước ra ngõ, dượng còn mắng theo: "Có giỏi thì mày đi luôn đi!". Mẹ cô nằm trong màn khóc. Cô bước ra khỏi nhà, thấy trống rỗng, bơ vơ và chợt thương mẹ quá. Nhưng cô phải lo cho tương lai của mình thôi. Đó cũng chính là ước muốn của ba cô trước khi mất.
Lúc xe sắp lăn bánh, cô chợt thấy mẹ hớt hải chạy ra bến xe dáo dác tìm. Cô gọi "Mẹ!" rồi im bặt. Mẹ nhìn thấy cô, òa khóc: "Đừng trách mẹ, đừng trách dượng. Mẹ có lỗi với ba con quá...". Cô cầm tay mẹ, nước mắt ứa ra: "Con không trách đâu. Mẹ đừng lo cho con. Con có thể tự lo được mà...". Mẹ lau nước mắt, dúi vội vào tay cô một gói giấy nhỏ, bảo: "Cầm đi con. Hãy tự lo cho mình...".
Xe chạy, cô thấy mẹ đứng nhìn theo. Trông mẹ sao nhỏ bé thế, bơ vơ thế. Cô thấy lòng mình dâng lên một nỗi thương cảm mãnh liệt. Lần đầu tiên trong đời cô nhận ra tấm lòng cao cả của người mẹ. Đến khi mở gói giấy ra, cô thảng thốt khi thấy đôi bông tai ngày xưa ba cô tặng mẹ. Đó là kỷ vật duy nhất của ba mà mẹ quý như chính sinh mệnh của mình. Mảnh giấy còn ghi vội địa chỉ một người thân của ba, người mà sau này cô nương náu trong gia đình ông ta suốt quãng ngày sinh viên cho đến lúc ra trường và được ông ta thương như con. Nhờ vậy cô đã không bán đôi bông tai của mẹ...
Đang nằm hồi tưởng lại câu chuyện của cô, chợt thấy hai bàn tay lạnh buốt úp lên má của mình, tôi vội la oái lên. Cô kéo chăn ra khỏi đầu tôi, ngạc nhiên hỏi:
- Lan, em khóc à?
Tôi mỉm cười bẽn lẽn, nhìn ra ngoài cửa sổ. Dưới vòm cổng rào, những cánh hoa huỳnh anh vàng rực rỡ nổi bật trên nền đất màu nâu cứng. Tịnh không có một chiếc lá...
Tháng 10-2000
Đ.T.