Một người rất đa tài đã đạt được mục đích là học để làm thánh
Đọc sử đông, tây, tôi chưa thấy ai vừa thông minh, có chí khí, hiếu học mà vừa đa tài như Vương Dương Minh. Nhất là đa tài. Nếu được một minh quân tin dùng, giao cho chức tể tưởng thì tài chính trị, kinh tế của ông chắc không thua kém Quản Trọng; nếu gặp đất gặp thời, thì võ công của ông có phần bằng Nã Phá Luân vì Nã Phá Luân đã phải chua xót nếm mùi thất bại, chứ ông thì dẹp đâu thắng đấy, có lần không mất một mũi tên, chết một người lính mà qui phục được hàng vạn phiến loạn đã hoành hành trong mấy năm. Văn thơ của ông đứng đầu đời Minh về cả phẩm lẫn lượng; triết học của ông thâm thuý nhất Trung Quốc từ Mạnh Tử trở về đây, mà lối chữ viết của ông cũng đặc sắc, từ đầu đến cuối hàng, liền một nét, vừa linh hoạt, vừa nghiêm cẩn, đến nỗi vua Khang Hy phải thán phục là “Thư diệc thông thần” (lối viết cũng thông với thần linh). Thậm chí đến những tư tưởng về giáo dục của ông cũng là độc đáo, đi trước J.J Rousseau gần ba thế kỷ và trước Montesssori Decroly tới bốn thế kỷ.
Mà đời ông long đong làm sao! Có lần bị đánh bốn chục trượng đến nát thịt và chết ngất, bị đày tới một miền mọi rợ trong hai năm; lần khác bị vu oan là loạn thần, suýt bị tử hình, và sau khi dẹp giặc đau nặng mà chết, còn bị kẻ tiểu nhân sàm tấu là không làm tròn nhiệm vụ, dám trái lệnh vua. Chỉ vì công nghiệp ông lớn quá, đạo học ông cao quá, nên mới khốn cùng như vậy. Chữ tài quả vần với chữ tai.
***
Thể chất ông vốn bạc nhược, từ nhỏ tới già đau vặt luôn mà luôn lập nên được sự nghiệp vĩ đại, là nhờ công tu luyện và cái chí cương quyết học để làm thánh của ông.
Ông sanh năm 1742, triều Hiến Tôn nhà Minh (ngang đời Lê Thánh Tông nước ta) ở huyện Dư Diêu, thuộc tỉnh Triết Giang ngày nay, trong một gia đình đạo đức, hiển đạt.
Một ông tổ xa của ông là Vương Hy Chi, nổi danh đời Tần (Lục Triều) lưu truyền lại bài Lan Đình Ký và một lối chữ tuyệt đẹp gọi là “thiếp Lan Đình”. Ông nội của ông, Vương Luân, là một nhà Nho được trong vọng về đức hạnh và văn học. Thân phụ ông là Vương Hoa, đậu Trạng, làm quan tới Lại bộ thượng thư. Hồi nhỏ ông quặt quẹo hoài, năm tuổi mới biết nói, cho nên nhà không bắt đi học sớm.
Nhưng ông rất thông minh: hồi tám, chín tuổi, chỉ nghe ông nội đọc sách mà thuộc từng đoạn dài. Năm mười tuổi, đã làm được thơ, và thơ có giọng triết lý rất già giặn, ai cũng phải phục.
Tương truyền rằng, lần đó, ông nội ông cùng với bạn uống rượu trong chùa Kim Sơn muốn làm bài tức cảnh mà nghĩ chưa ra. Vương Dương Minh ứng khẩu làm được hai bài, một bài lấy đề là “Tề Nguyệt sơn phòng” (nhà ở trên núi che khuất mặt trăng).
Sơn cận nguyệt viễn, giác nguyệt tiểu.
Tiên đạo thử sơn đại ư nguyệt.
Nhược nhân hữu nhã đại như thiên
Hoàn kiến sơn tiểu, nguyệt cánh khoát.
Dịch:
Núi gần, trăng xa, thấy trăng nhỏ.
Nên bảo núi nọ lớn hơn trăng.
Nếu người có mắt lớn bằng trời.
Tất thấy trăng to núi đâu bằng.
Cặp mắt lớn bằng trời đó, chính cậu Vương Dương Minh đã có. Cậu dám nghi ngờ những lời giảng sách của thầy học, cả những lời chú thích Tứ thư Ngũ kinh của Chu Hy mà thời đó nhà nho nào cũng phải theo, sĩ tử nào cũng phải học. Cậu lại chê cái mục đích học để cầu khoa hoạn của ông cha là thấp kém. Một lần cậu hỏi thầy học:
- Thưa thầy, ở đời có việc gì là cao hơn cả?
Thầy học đáp:
- Thi đậu ra làm quan để thờ vua giúp nước, làm vẻ vang cho tổ tiên là cao hơn cả.
Cậu lắc đầu:
- Thưa thầy, con cho vậy là chưa cao, học làm được ông thánh mới là cao.
Thầy học giật mình, mà không dám cho cậu là ngông.
Thân phụ cậu thấy lập chí như vậy, cũng ngài ngại, sợ con mình vẽ hổ không thành, nhưng biết cậu thông minh và nghiêm cẩn, nên cũng không rầy. Vả lại cậu vẫn vâng lời cha mẹ, chiều theo thói đời mà học tập từ chương. Nhưng học thì học, cậu không hăng hái, không chuyên tâm, óc còn vẩn vơ, ý như chưa quyết. Mục đích đã hiện ra rồi đấy, mà chưa biết phải theo đường nào để đạt được.
Năm mười lăm tuổi, nhân đi chơi ở cửa ải Cự Dung, phục tinh thần trọng võ của rợ Hồ phương Bắc, cậu bỗng nảy cái ý muốn thành một Phục Ba tướng quân, đánh dẹp bốn phương, bèn theo các trẻ Hồ, học cưỡi ngựa, bắn cung và bắn rất giỏi. Về nhà nhân trong nước có giặc cướp, cậu viết một bài sớ, toan dâng triều đình để hiến kế dẹp loạn, bị thân phụ ngăn cản. Rồi chẳng bao lâu, cậu cũng quên cái mộng làm một vị đại tướng.
Hai năm sau, cậu qua Hồng Đô ở Giang Tây để cưới vợ. Chiều hôm hợp cẩn, bố vợ làm Tham nghị Bố chánh đi khắp trong nhà và hàng xóm, không thấy chú rể đâu, cho lệnh đi lùng suốt đêm. Sáng sớm hôm sau, tân lang mới theo mấy chú lính về. Hỏi ra thì chiều hôm trước, Vương Dương Minh đi chơi lang thang ngoài phố, gặp một đạo sĩ, nghe thuyết minh phép dưỡng sinh mà quên cả cái đêm động phòng hoa chúc. Chỉ một chuyện đó, cũng đủ cho ta phục ông là ông thánh về hiếu học.
Trong thời kỳ trăng mật, ông say mê tập viết. Tìm được ở nhà vợ mấy rương giấy trắng, ông lấy ra nắn nót viết hết ngày này qua ngày khác, lập ra quy tắc này là: Mới đầu, phải trầm tĩnh suy nghĩ, định rõ hình dáng của mỗi chữ trong óc, rồi mới hạ bút đưa liền tay như mỗi hàng chỉ có một nét.
Ở Hồng Đô hơn một năm, rồi về nhà cha mẹ, nửa đường ghé Quảng Tín, yết kiến một danh nho đương thời là Lâu Nhất Trai, nghe giảng đạo nho, lại bừng bừng cái ý muốn học làm ông thánh.
Năm hai mươi mốt tuổi, Vương đậu cử nhân, theo cha lên kinh, tìm đọc hết các sách của Chu Hy. Chu Hy giảng hai chữ cách vật trong Đại học là xét “đến cái lý của sự vật, muốn cho những chỗ nhỏ nhặt tới đâu cũng hiểu được thấu đáo”. Vì ông cho chữ cách có nghĩa là đến nên người đương thời hiểu rằng ông khuyên người ta tìm đến mọi vật để xét cái lý của nó, dù là một cọng cỏ, một góc tường, một con sâu, một cục đất cũng có cái lý riêng, cứ nay tìm cái lý của vật này, mai tìm cái lý của vật khác, lâu dần, gom góp lại sẽ thấu hiểu mối đạo. Vương Dương Minh đem thực hành ngay lời khuyên đó. Nhân chung quanh nhà có nhiều trúc, mà trúc tượng trưng cho người quân tử, ông cùng với một người bạn họ Tiền, bàn nhau đi Cách cây trúc nghĩa là tìm cái lý của cây trúc. Họ tiền “cách” trước, sớm chiều ra ngồi dưới bụi trúc, xem xét tỉ mỉ, để nghiền ngẫm cho ra cái đạo lý của trúc. Nghiền ngẫm ba ngày mà chưa ra manh mối gì cả, thì họ Tiền mang bệnh. Ông hăng hái ra thay bạn, cũng “cách” tới “cách” lui mà vẫn không hiểu tại sao có cây trúc. Đến ngày thứ bảy ông cũng phát đau, chán nản, thở dài: “Phải có số phận làm thánh mới được. Trời không cho mình làm thánh thì an phận người thường vậy”.[11]
Và quay về học từ chương, làm thơ, làm phú, nhớ sách cho nhiều, chẳng quan tâm về đạo lý nữa, để đợi khoa thi hội. Ông bị dìm luôn hai khóa, mặc dầu tài đáng đậu cao. Bạn bè nhiều người lấy sự lạc đệ làm xấu hổ. Ông bảo: “Thi rớt không xấu hổ, thi rớt mà buồn mới là xấu hổ”. Người ta phục ông, nhưng cũng thầm ghét ông vì lời đó. Ông cao hơn thiên hạ mà tâm lý chung của thiên hạ là không muốn bị ai chê mình là thấp.
Sau khi rớt lần thứ nhì, ông không thèm ôn lại kinh sử. Biên thùy phương Bắc đương náo động, chí nam nhi của Vương lại bừng bừng lên. Ông chuyên tâm học binh pháp, đọc hết bí thư của các binh gia, lấy những hột, những quả bày thành trận thế để nghiên cứu chiến lược với bạn bè.
Hai năm sau, ông hai mươi tám tuổi, đậu Nhị giáp tiến sĩ, được vào tập sự ở bộ Công kế, cũng như bộ Công chánh ngày nay.
***
Từ đây ông bắt đầu cuộc đời long đong trong quan trường. trước sau ông giữ cả chục nhiệm vụ khác nhau, có nhiệm vụ quan trọng, có nhiệm vụ thấp kém, khi ở bộ Công, lúc ở bộ Hình, lúc làm quan huyện, lúc làm tướng, lại có lúc làm tên cai trạm… Bất kỳ ở chức nào, ông cũng tỏ ra rất đắc lực, thanh liêm, khoan hoà, chính trực, thành thử người dưới bao giờ cũng trọng mà bọn tiểu nhân ở trên gườm gườm, chỉ muốn hại. Nhưng ông vẫn ghét hoạn đồ, chỉ mong được về nhà đọc sách, tìm đạo. Hình như trong tiềm thức ông có sự mâu thuẫn giữa đạo Nho một bên, đạo Lão và đạo Phật một bên. Tôi nói trong tiềm thức, vì sau khi nghiên cứu hai đạo Phật, Lão ông vẫn chê rằng hai đạo đó không hợp với nhân tình, nhưng tâm hồn ông vẫn là một tâm hồn muốn thoát tục.
Năm 29 tuổi, nghe tin giặc cướp quấy nhiễu biên thùy, làm triều đình lo lắng, ông dâng sớ hiến sách, chê các đại thần là bất lực,chỉ lo củng cố quyền vị, đề nghị kén người thao lược, giữ hình pháp cho đúng, gia ân cho hạng cô quả để dân đỡ khổ, luyện binh cho kỹ, nhưng giảm số lính cho đỡ tốn và cho họ lập đồn điền để tự túc. Giọng ông mạnh bạo, lâm ly, chắc làm cho nhiều đại thần oán ghét, nhưng chưa ai dám nói gì cả.
Năm sau, vì lao tâm: ngày tra xét các án tù, đêm còn đọc sách cổ tới khuya, nên bị chứng thổ huyết, cáo bệnh, về làm nhà ở động Dương Minh, cách Hàng Châu hai chục dặm. Do đó có tên là Vương Dương Minh, chứ tên húy của ông là Thủ Nhân, mà tên tự là Bá An. Ông nghỉ ngơi, tập phép dưỡng sinh của Đạo giáo, học các môn bói, số. Sau ông nghĩ đó không phải là chánh đạo, lại bỏ, xoay qua Phật giáo, muốn xuất gia, nhưng chưa dứt được tình gia đình.
Một hôm, vào một hang nọ, ông thấy một nhà sư ngồi tham thiền, trơ trơ như khúc gỗ. Ông lại vỗ vai hỏi:
- Thầy có nhớ nhà không?
Đáp:
- Ôi! Sao mà không nhớ cho được?
Hai ba ngày sau, ông trở lại, nhà sư đã không còn ở đó nữa. Ông tự nhủ: “Tốn công ba năm tham thiền như vậy mà vẫn còn nhớ cha mẹ, thì cái tình gia đình thật tự nhiên, thiêng liêng, không sao dứt được”
Rồi tâm hồn ông bình tĩnh lại, ông quyết tâm bỏ đạo Tiên, đạo Phật, quay về đạo Nho. Năm ấy ông đã tới cái tuổi “tam thập nhi lập” của Khổng tử. Tính ra trong non hai chục năm, Vương đã băn khoăn tìm một lý tưởng một chân lý, tư tưởng chuyển biến mấy lần: mới đầu tập cưỡi ngựa, bắn cung, luyện đường quyền, đường kiếm, sau chuyên về văn tự, từ chương, rồi vùi đầu trong Lý học đến hoá đau, phải bỏ về trở về từ chương, đỗ đạt rồi học thêm binh pháp để mong giúp nước, kế đó lại chán việc nước, mà chìm đắm trong đạo thần tiên, sau cùng nghiên cứu đạo Phật, muốn xuất thế, và bây giờ lại hoàn tục để tìm chân lý trong đạo Nho một lần nữa.
***
Năm 1504, ông về triều vừa làm quan ở bộ Binh vừa dạy học. Hai năm sau, ông gặp một nạn lớn, suýt chết. Vua Vũ Tôn lúc đó mới lên ngôi, tin dùng tên thái giám Lưu Cận, ham mê tửu sắc, bỏ bê việc nước. Một vị đại thần dâng sớ cản ngăn, bị bỏ ngục. Hai vị đại thần khác xin tha tội cho bạn, cũng bị bỏ ngục luôn. Cả triều không ai dám hé môi, duy có Vương Dương Minh là khảng khái trách nhà vua rằng bắt tội những bề tôi thành thực can gián như vậy, thì về sau, xã tắc có lâm nguy không ai dám bày tỏ ý kiến nữa.
Vũ Tôn nổi giận, sai căng nọc ông ra đánh bốn chục trượng, đến máu tuôn, thịt nát, chết đi sống lại mấy lần, rồi lại đày ông làm cai trạm ở Long Trường, tỉnh Quý Châu giáp Vân Nam.
Tình cảnh ông lúc đó còn bi đát hơn tình cảng Hàn Dũ khi bị đày Triều Châu. Hàn và Vương đều ốm yêu, bệnh tật và đều phải đày tới những nơi ma thiêng nước độc nhưng Vương còn có cha già mà Quý Châu lại xa Triều Châu.
Đã vậy Lưu Cận còn sai kẻ tâm phúc theo dõi Vương để ám sát. Ông đoán được, đến sông Tiền Đường, bỏ quần áo lại với một bài thơ, nhảy xuống sông, giả tự tận, rồi lội vào bờ núp trong đám sậy đến tối mới đáp một chiếc thuyền đi Triết Giang. Thuyền gặp bão, ông suýt chết đuối thật, rối cuộc trôi giạt tới Phúc Kiến, leo lên bờ đạp gai vạch bụi, xuyên rừng mấy chục dặm mới thấy một ngôi chùa, gõ cửa xin ngủ trọ. Nhà sư không cho, ông đành vô ngả lưng trong một cái miếu vắng, ở giữa một khu rừng đầy những cọp.
Sáng hôm sau ông vào chùa, gặp ngay vị đạo sĩ đã quen hôm ông làm lễ cưới. Ông tỏ ý chán ngán thời cuộc, muốn mai danh để tu hành. Vị đạo sĩ ngăn cản, bảo nếu làm vậy thì Lưu Cận có thể vu ông theo giặc làm phản, mà hại luôn cả gia đình ông. Vương nghe lời, lên đường, ghé thăm cha làm Lại bộ thượng thư ở Nam Kinh rồi trở lại sông Tiền Đường để xuống Long Trường.
Vợ con thì xa, bạn bè không có, sách vở cũng không mang theo được, chung quanh toàn là rợ Miêu man dã. Khí hậu thì độc, ngày nóng đêm lạnh, rừng núi âm u, nhà cửa không có đến nỗi khi mới tới, ông với mấy gia nhân phải ở trong hang. Thể chất ông vốn bạc, như vậy làm sao chống nổi ưu tư và bệnh tật.
Muốn khỏi chết, ông phải thay đổi nhân sinh quan và tổ chức đời sống. Ông chịu nhận trước phần xấu nhất, cho rằng chỉ tới chết là cùng, và sai người đục một quan tài bằng đá, rồi nói “Ta chỉ chờ mạng Trời mà thôi!”.
Ông nhất định đẩy lui mọi tư tưởng hắc ám, lo buồn. Trong bài Ế Lữ văn[12] đọc trước mộ ba thầy trò một người lại mục cũng ở trong cảnh ngộ gần gần như ông, cũng bị đổi đi nơi ma thiêng nước độc, không chịu được cảnh tuyết sương, lao khổ mà chết, ông nói: “Tôi rời quê cha đất tổ đã ba năm rồi, chịu chướng lệ mà vẫn sống là nhờ tôi chưa từng lo buồn đến một ngày. Nay tôi sầu bi thế này, là lòng tôi nghĩ đến chú – tức người lại mục chết đường – thì nặng mà nghĩ đến tôi thì nhẹ đấy. Tôi còn không còn vì chú mà buồn nữa đâu”.
Ông lại ráng tìm cái vui trong đời sống mới. Áo rách không có vải để vá, ông kết túm lại. Ăn cơm không muối vì miền đó xa biển mà mọi rợ, không ai chở muối lại bán, ông ngâm nga ít câu để vơi nỗi lòng:
Cửa khách tiệm lân y hữu kết
Man di trường thán thực vô diêm
Rồi lại vui vẻ ca hát, đùa bỡn để làm nguôi cái sầu xa quê của ba người theo hầu.
Rợ miêu dã man, không biết lễ nghi, ông dạy dỗ họ, thi ân cho họ, và lần lần ông nhận thấy họ có chỗ khả ái hơn hạng người văn minh ở kinh đô, mà đem lòng yêu tính tình chất phác của họ:
Di cư tuy dị tục
Dã phác ý sở quyến
Họ cũng yêu lại ông, tự ý cất nhà, và thư viện cho ông. Lần lần bạn bè, học trò ở phương xa lại, động đã biến thành một nơi văn học. Trong bài Hà lậu hiên ký, ông chép lại việc đó.
“…Kỳ thủy ta tới đó, không có nhà mà ở, phải ở vào chỗ cây cỏ gai góc um tùm, thì uất ức lắm. Sau thiên cư sang ở trái Đông phong, vào chỗ hang đá mà ở thì lại ẩm thấp, tối tăm. Dân ở đất Long Trường, kẻ già người trẻ, hàng ngày lại thăm nom ta, mừng rằng ta không cho đất ấy là cô lậu mà có ý buồn. Vì ta có sửa sang ra một cái vườn ở nơi rừng rậm, dân ở đấy họ bảo rằng ta vui thú đấy. Họ mới cùng nhau đi đẵn cây, chở gỗ, đem về chỗ đất ấy làm ra một cái hiên để cho ta ở. Ta nhân trồng lên những cây tùng, cây trúc, những các thứ hoa và các thứ có thể làm vị thuốc được ở xung quanh hiên. Trong hiên thì bầy ra chỗ này là ngoại đường, chỗ này là nội thất, chỗ này là tiền xá, chỗ này là nội phòng, nào cầm thư, nào đồ họa, mọi đồ giảng tụng, du thích đủ. Học trò ở nơi khác lại học cũng dần dần sum họp vui vầy. rồi những người đến chơi cái hiên của ta chẳng khác gì đến chơi những nơi văn nhã ở chốn đô thành mà ta quên hẳn cảnh ta là cái cảnh ở nơi mọi rợ vậy” (Bản dịch của Nguyễn Đôn Phục)
Ông lại tả động đó bằng những nét đơn sơ mà thi vị:
Đồng bộc cùng bảo nhau:
Động này ở cũng tốt,
Chạm trổ sẵn nhờ trời.
Công người khỏi xây cất.
Suối biếc rủ màn là,
Sau bếp rõ mồn một.
Được rảnh rang, ông sáng tác nhiều: những văn thơ được lưu truyền nhất về phương diện nghệ thuật đều xuất hiện trong lúc tiếp xúc với thiên nhiên ấy; và cái rủi của ông lại hóa cái may: nhờ bị đày tới Long Trường ông mới thành một ông thánh, đạt được mục đích đã tự vạch trên hai chục năm trước. Vì thiếu sách đọc, ông ôn lại trong đầu những điều đã học được, rồi bỗng kiếm ra cái nghĩa lý cách vật trí tri, như người đang mê hốt nhiên tỉnh ngộ. Ông vui quá, kêu rú lên, nhảy nhót như Archimede khi kiếm được định lý căn bản về khoa thủy tĩnh học. Ông cho hai chữ cách vật trong sách đại học không có nghĩa là đến mỗi sự vật để tìm ra cái lý của nó như người đương thời hiểu lời chú thích của Chu Hy, mà có nghĩa là làm cho cái sự, cái ý thành chánh đáng, nói cách khác, là làm điều thiện, tránh điều ác. Chữ cách trong cách vật không phải là đến mà có nghĩa như chữ cách trong câu đại thần cách quân tâm chi phi (đại thần sửa cái tâm chẳng tốt của nhà vua cho ngay lại).
Hiểu hai chữ cách vật như vậy tức là chủ trương rằng đạo lý chỉ ở trong tâm người ta mà thôi, nếu tìm ở sự vật là sai lầm. Thực ra, triết lý duy tâm đó, Lục Cửu Uyên đời Tống đã tìm thấy rồi, Vương chỉ có công khuyếch sung nó thôi, nhưng đã khuyếch sung đến cùng cực, sau này không còn ai hơn nữa. Ông bảo tâm là ý thức, là tính, là lý, là vật:
“Chủ thể của thân là tâm, phát động của tâm là ý, bản thể của ý là tri, sở tại của tri là vật. Ví dụ ý mình để vào chỗ thờ cha mẹ thì thờ cha mẹ tức là một việc; ý mình để vào chỗ giúp dân yêu vật, thì giúp dân yêu vật cũng là một việc; ý mình để vào chỗ nhìn ngó, nghe ngóng, nói năng, cử động thì nhìn ngó, nghe ngóng, nói năng, cử động cũng là một việc. Vì vậy cho nên tôi bảo rằng không có việc gì ngoài tâm”.
Ông lại nói:
“Kể về hình thể thì gọi là trời, kể về sự chủ tể thì gọi là vua, kể về sự lưu hành thì gọi là mạng, kể về sự phú bẩm con người thì gọi là tính, kể về sự chủ tế ở trong thân thì gọi là tâm”.
“Tâm phát ra đối với cha mẹ thì thành ra hiếu, đối với vua thì ra trung, cứ như thế mà đến khắp những cái tên biến hóa vô cùng, mà chỉ gốc ở một cái tính đó mà thôi”.
Năm sau ông lập ra thuyết Tri hành hợp nhất và đây mới là điều phát minh quan trọng nhất trong học thuyết của Vương.
Muốn hiểu thuyết đó là nên nhớ ông chỉ đứng về phương diện tâm học và hiểu chữ hành theo một nghĩa hơi khác ta. Tôi lấy một ví dụ:
Ta thấy một việc thiện, đó là tri; ta thích nó, đó là cảm xúc; sau cùng ta ráng sức để làm một việc thiện như vậy. Từ trước, ai cũng cho biết và cảm xúc thuộc về phần tri, làm là thuộc về phần hành, như vậy tri và hành là hai việc khác nhau. Vương Dương Minh cho tri là sự biết của tâm, cảm xúc là hành của tâm, còn việc làm là sự thành tựu của cái tri và cái hành của tâm. Vậy thì tri và hành chỉ là một, mà biết tức là khởi sự làm rồi, vì biết thì cảm xúc liền mà cảm xúc đó chính là cái hành của tâm. Xét rộng ra, ông còn cho chẳng những về việc thiện, việc ác, ngay những vật đẹp hay xấu, hễ trông thấy là ta có cảm xúc yêu hay ghét ngay, như thế cũng là tâm ta đồng thời vừa tri vừa hành tóm lại tri hành cũng hợp nhất nữa.
Ông phát biểu chủ trương đó trong một đoạn dưới đây:
“Mắt ta thấy sắc đẹp là thuộc về phần tri, bụng ta thích sắc đẹp là thuộc về phần hành. Phải biết ngay lúc trông thấy sắc đẹp, ta đã có ý thích rồi, không phải sau khi trông thấy rồi mới lập tâm để thích.
“Mũi ta ngửi thấy hơi thối là thuộc về phần tri, lòng ta ghét hơi thối là thuộc về phần hành. Ngay lúc hơi thối bay qua trước mũi ta, ta đã sẵn lòng không ưa rồi, chẳng phải đợi sau khi ngửi phải hơi thối, lúc bấy giờ mới lập tâm ghét nó. Ví dụ một người ngạt mũi tắc tị, không từng ngửi thấy hôi hám gì cả, tự nhiên không ghét gì lắm, chỉ vì không từng biết hơi.
“Ngay như ta khen người này biết hiếu, người kia biết đễ thì tất nhiên họ phải là người đã từng làm việc hiếu đễ rồi, mới có thể khen họ biết hiếu đễ được chứ. Một người chỉ khéo nói chuyện hiếu ở ngoài mỗi đầu lưỡi, chẳng có lẽ nào như thế mà cũng cho rằng họ biết hiếu đễ cho được?
“… Như thế thì tri hành rõ ràng là một, phân nó ra làm hai sao được? Đó là cái bản thể của tri hành, không bị mọi điều tư dục trở ngăn che lấp nó đi vậy.[13]
Và ông bảo người học đạo phải như con mèo rình chuột, để hết tâm lực vào mồi, hễ phát động ý nghĩa bất thiện nào, thì diệt nó liền. Phép luyện tâm đó thật là nghiêm cẩn, dẫu Khổng Tử cũng không hơn.
***
Năm 1510, ông được thăng tri huyện, chỉ dùng nhân, đức mà trị dân, tổ chức sự giáo dục, sự trị an, sửa đổi nền kinh tế mở mang sự giao thông, cuối năm ông được triệu về kinh.
Năm 1515, ông cáo bệnh, xin về hưu mà không được. Từ năm 1516, ông phải đi dẹp giặc ở Miền Nam Tước, trước sau dẹp được năm đám:
- Giặc Chương Châu ở Giang Tây, Phúc Kiến năm 1517
- Giặc Dũng[14] Cương, Hoành Thủy ở Quảng Đông năm 1517
- Giặc Tam Lợi ở Giang Tây năm 1518
- Loạn Thần Hào ở Nam Xương, năm 1519
- Giặc Tư Ân và Bát Trại ở Quảng Tây, năm 1528
Ngoại trừ đảng Thần Hào có tổ chức đàng hoàng (Thần Hào là một người trong hoàng tộc, được phong vương, thấy Vũ Tôn không con lại ham chơi, muốn cướp ngôi, gây vây cánh cả ngoài, lẫn trong triều) còn những giặc kia toàn là bọn lưu khẩu, gặp lúc triều đình suy bại, quan lại tham ô, dân tình ta thán mà nổ lên chiếm cứ một miền. Tuy nhiên chúng cũng rất mạnh, nhờ ở địa thế hiểm trở mà ít đường giao thông và nhờ chiến thuật du kích của chúng, cho nên các quan địa phương dẹp có khi cả chục năm không nổi, và triều đình phải cử Vương Dương Minh tới.
Vương thay đổi hẳn chính sách. Tới đâu ông cũng cho lập ngay những thẻ thập gia bài (cũng tựa như tổ chức ngũ gia liên bảo ngày nay). Cứ mười nhà họp thành một tiểu tổ để nâng đỡ lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, và giúp chính phủ trừ kẻ gian, đề cử người tài. Cả mười nhà phải liên đới chịu trách nhiệm với nhau, nếu có nhà nào mưu sự phản nghịch.
Ông không dùng tướng của triều đình, cho những lính già, yếu về nhà hết, lựa những người mạnh khỏe trong dân gian, sung vào quân đội, rồi tuyển ngay trong số đó những kẻ có tài để trao quyền chỉ huy.
Ông tổ chức quân đội, chia ra làm ngũ, đội, sáo, doanh, trận, quân: cứ 25 người làm một ngũ, có chức tiểu giáp chỉ huy, 50 người làm một đội, có chức tổ giáp chỉ huy; 200 người làm một sáo, có một chức trưởng và hai chức hiệp trưởng coi; 400 người làm một doanh, có một chức doanh quan và hai chức tham mưu coi; 1200 người làm một trận, có chức thiên tướng coi. Mỗi chức, từ lớn tới nhỏ, đều có quyền hành với kẻ dưới, và chịu trách nhiệm với bề trên: phó tướng được phạt thiên tướng, thiên tướng được phạt doanh quan, doanh quan được phạt sáo trướng…
Ông bắt quân đội phải luyện tập kỹ lưỡng - binh cần giỏi chứ không cần nhiều - và cũng như tướng Montgomery trong đại chiến vừa rồi, chỉ khi nào mọi sự xếp đặt đã kỹ lưỡng, phần thắng nắm chắc trong tay, ông mới đưa quân ra trận. Cách đây năm thế kỷ, một nhà nho mà có óc tổ chức khoa học như vậy, thực hiếm có.
Tài cầm quân của ông hiện rõ ở chỗ ông khéo dùng tình báo và tuyên truyền. Ông sai người dò la kỹ tình hình, tâm lý của địch để hiểu vì lý do gì chúng làm phản và lực lượng của chúng ra sao; rồi ông dùng mưu kế để ly gián địch, phao ra những tin hư hư thực thực cho địch hoang mang.
Chẳng hạn, lần dẹp loạn Thần Hào, mới đầu thế của ông yếu mà thế của địch mạnh. Ông chưa kịp dự bị thì đã có tin Thần Hào sắp đem hùng binh đi đánh lấy hai thành Nam Khang, Cửu Giang, rồi chiếm Nam Kinh để lên ngôi Hoàng đế. Ông bèn viết những mật chỉ giả, làm như triều đình biết trước mưu phản nghịch của hắn mà đề phòng kỹ, ra lệnh cho lưỡng Quảng là lưỡng Kinh xuất binh chặn đường hắn. Ông sắp đặt cho Thần Hào bắt được những mật chỉ đó. Quả nhiên hắn sinh nghi, chưa dám xuất quân vội, và trong lúc hắn do dự, ông có thì giờ kêu quân các tỉnh khác lại và tổ chức sự chỉ huy, sự phòng bị. Mọi việc xong xuôi, ông mới truyền hịch kể tội giặc, hô hào việc cần vương, và dâng sớ cáo biến.
Một mặt khác, ông tìm cách chia rẽ vây cánh Thần Hào, làm tờ trình về bộ, nói đã nhận được mật thư xin hàng của các mưu sỹ của y, đồng thời lại viết những bức thư trả lời dặn dò cách xử sự ra sao. Tất nhiên, hết thảy những giấy tờ giả mạo đó đều đến tay Thần Hào và nội bộ của của hắn hóa lủng củng.
Khi Thần Hào đã rời căn cứ ở Nam Xương mà tiến tới Yên Khánh, mọi người bàn nên đi cứu Yên Khánh ông không nghe, đem quân đánh thẳng vào sào huyệt của giặc Nam Xương. Hay tin Nam Xương đã mất, Thần Hào đâm lo; bọn mưu sĩ khuyên hắn bỏ Nam Xương mà đánh dốc lên Nam Kinh rồi lên ngôi Hoàng đế, tiến lên Bắc Kinh, nhưng Thần Hào đã mắc mưu ly gián của Vương Dương Minh, nghi kị, không chịu nghe, trở về cứu Nam Xương, gặp quân Vương Dương Minh đánh mấy trận tan nát. Thần Hào và cả bọn đều bị bắt.
Thành thử, loạn lớn như vậy mà trước sau chỉ có 42 ngày là dẹp yên, nhờ tài trù liệu mưu tính của ông.
Phê bình chiến công đó. Trần Trọng Kim khen:
“Xưa nay những nho tướng ra dùng binh cũng đã từng có, nhưng ai cũng có nhiều chiến tướng giúp đỡ; đường này những người tham dự mưu cơ trong tướng mạc đều là những kẻ nho học và những người ra chỉ huy trận tiền đều là kẻ tá nhị ở bản tỉnh và phủ huyện, thế mà Dương Minh lấy nhất tâm vận dụng được cả, khiến những kẻ thư sinh thành danh sĩ, nhưng kẻ ti thuộc thành lương tướng. Ông có cái thủ đoạn hóa những kẻ tầm thường ra làm bậc thần kỳ. Ông thật là bậc thiên tài vậy”[15]
Cái thủ đoạn hoá kẻ tầm thường ra bậc thần kỳ đó chỉ có Nã Phá Luân là bằng ông. Ông lại hơn Nã Phá Luân ở chỗ không hề thất bại.
Hễ ông ra quân là thắng, lại thắng rất mau. Giặc Chương Châu phá quấy trong hai chục năm, ông dẹp trong ba tháng; giặc Dũng Cương, Hoành Thủy chỉ trong 6 tháng, giặc Tam Lợi chỉ trong ba tháng. Lần cuối cùng, không tốn một mũi tên, không chết một tên lính mà ông trừ được một thổ khấu đã hai năm làm triều đình thúc thủ.
Hồi đó ông đã năm mươi sáu tuổi ở nhà cư tang cha và dưỡng bệnh đã sáu năm, tưởng được yên ổn dạy học tới hết đời, thì có chiếu của vua Thế Tôn cử ông làm Lưỡng Quảng, Giang Tây, Hồ Quảng Tổng chế quân vụ để dẹp giặc Tư Ân. Ông nóng lạnh và ho dây dưa từ mấy năm, xin đề cử hai người thay mình. Vua không nghe cố ép, ông rớt nước mắt mà vâng lời, vừa lên đường, vừa uống thuốc.
Trong khi đi nhậm chức, ông đã dò xét tâm lý và tình hình của giặc, biết rằng nguyên nhân do chính sách vụng về của triều đình và sự thối nát của chính quyền địa phương mà ra cả. Miền đó cũng là một miền mọi rợ chưa được khai phá, giáo hóa. Hồi trước, triều đình dùng thổ hào để cai trị, cho thổ dân giữ phong tục của họ, sau bãi bỏ những thổ hào đó, bổ nhiệm những quan ở kinh đô tới. Bọn này không hiểu tâm lý, tục lệ của thổ dân, làm nhiều việc mất lòng chúng, lại khắc nghiệt, hối lộ, nên chúng nổi loạn.
Hiểu vậy ông quyết dùng chính sách phủ dụ, không dùng binh lực để khỏi tốn hao, chết chóc. Tới nơi, ông ra lệnh giải tán ba vạn quân cho về ăn tết, chỉ giữ lại vài ngàn người vì ở xa không kịp về nhà trước tết. Tướng lãnh nào đã dám có thủ đoạn cao kỳ như vậy? Đã không mộ thêm quân mà còn giải tán gần hết. Rồi một mặt ông dâng tấu xin để thổ quan cai trị thổ dân như cũ, một mặt ông tuyên bố sẽ tha tội cho những kẻ cải tà quy chính. Bọn cầm đầu giặc, vốn đã nghe tài cầm quân của ông, nay lại thấy ông xử sự rất mực khoan hoà, quân tử, nên cảm động, tự trói mình ra đầu thú. Ông phạt mỗi đứa trăm trượng rồi cho về.
Nhân tiện ông dùng ngay bọn mới quy phục để dẹp giặc Bát Trại ở miền ấy. Bọn này thiện chiến về du kích, hoành hành đến mấy chục năm, lúc ẩn lúc hiện, quan quân đành bó tay. Nhờ mọi Tư Ân giúp sức đắc lực vì biết đường lối và quen khí hậu, ông lập mưu vây giặc khắp bốn phía và đánh dốc vào, chỉ trong ba tháng dẹp được hết.
***
Mỗi khi dẹp xong miền nào, ông tổ chức ngay lại chính trị và kinh tế, lập thêm huyện, trường học, sửa đổi cách đánh thuế cho hóa vật được lưu thông dễ dàng mà số thuế thâu được tăng lên.
Ông khéo chiêu dụ, giọng thành thực, cảm động mà vẫn cương quyết. Có lần ông bắt được 7600 tên giặc tra xét chỉ thấy có 50 tên cầm đầu, 4000 tên khác hùa theo, còn bao nhiêu điều do bắt buộc mà phải theo. Ông xử tội 50 thủ xướng, còn bao nhiêu thì tha cả.
Ông lại lập ra hương ước để cải hóa nhân tâm. Dân mỗi làng họp nhau thành một ước bầu những người có tuổi tài đức làm ước trưởng, ước phó, ước chánh… Những người trong ước giúp đỡ lẫn nhau. Nếu kẻ nào có lỗi thì hợp nhau lại để người trên kiểm thảo, một hai lần không nghe mới phạt, khi nào kẻ đó nhất định không sửa lỗi thì mới đem lên quan để trừng trị.
Ông chú trọng nhất đến sự dạy học. Ngay trong khi cầm quân, hễ có thì giờ rảnh là ông giảng đạo thánh hiền, và tới cai trị miền nào, ông cũng mở thêm lớp học, thư viện. Dân chúng mang ơn ông dẹp giặc, rồi giáo hóa nên lập nhiều sinh từ, yết tượng ông lên để thờ.
Khi ông lại Quảng Tây dẹp loạn Từ Ân, đi qua Nam Xương, nơi ông phá dược Thần Hào, già trẻ, trai gái rước ông long trọng, thắp hương khấn vái ông đầy đường. Ông cảm động và làm một bài thơ có hai câu kết:
Vu sơ hà hữu cam đường huệ
Tâm quý hương phụ lão nghinh.
(Thưa hèn nào có ơn văn hóa
Thầm hổ đèn nhang phụ lão nghênh)
Tới tỉnh, ông vào đô ty, cho ai muốn vào ra mắt ông, thì cứ vô một cửa, ra một cửa. Dân chúng chen chúc vô suốt ngày không ngớt.
Hôm sau ông ra Minh Luân đường giảng về Đại học, thính giả đông nghẹt, đến nỗi những kẻ trước vẫn bài bác tâm học của ông, cũng phải thán phục ông là vị thánh sống.
***
Chính trong hồi dẹp loạn Thần Hào mà ông tìm ra được thuyết trí lương tri để giải nghĩa hai chữ trí tri trong sách Đại học. Theo trí tri đó tức là trí lương tri.
Danh từ lương tri không phải ông đặt ra mà của Mạnh Tử, lương là lành, tri là biết. Trời phú bẩm cho loài người một tấm lòng thị phi, chẳng cần suy nghĩ cũng tự nhiên phân biệt được thiện và ác, phải và quấy, tấm lòng đó là lương tri, nói theo danh từ ngày nay là lương tâm.
Lương tri như mặt trời hay một tấm gương, mà vật dục như một đám mây, một lớp bụi. Mây hoặc bụi có thể làm mờ mặt trời hoặc tấm gương, thì vật dục cũng có thể làm mờ lương tri ta được. Vậy bổn phận của người học đạo là diệt những tư tâm, tà dục để cho lương tri cực kỳ sáng tỏ, để khuếch sung lương tri đến cùng cực, nói cho gọn là để trí lương tri. Ông bảo lương tri thì người ngu với thánh nhân cũng như nhau mà thôi, chỉ khác thánh nhân được lương tri mà người ngu thì không.
Nhờ ông giải thích cách vật là làm cho cái ý thành chánh đáng, nghĩa là làm điều thiện, tránh điều ác, và trí tri là khuếch sung lương tri đến cùng cực, mà đoạn dưới đây ở đầu cuốn đại học bỗng sáng nghĩa, không làm cho chúng ta nghi ngờ, bất mãn như khi đọc những chú thích của Chu Tử:
Cổ chi dục minh minh đức ư thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc, dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gian, dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân, dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm, dục chính kỳ tâm giả, tiên thành kỳ ý, dục thành kỳ ý giả, tiên trí kỳ tri. Trí trai tại cách vật.
Đời xưa muốn làm sáng đức trong thiên hạ thì trước hết phải trị nước mình, muốn trị nước mình, thì trước phải tề nhà mình, muốn tề nhà mình thì trước hết phải sửa thân mình, muốn sửa thân mình thì trước hết phải chính cái tâm của mình, muốn chính cái tâm của mình thì trước hết phải làm cho tinh thành cái ý của mình, muốn cho tinh thành cái ý của mình thì trước hết phải khuyếch sung lương tri đến cùng cực. Khuyếch sung lương tri đến cùng cực ở chỗ làm cho chánh đáng cái sự, cái ý (nghĩa là làm điều thiện tránh điều ác).
Tóm lại phải làm thiện, tránh ác, để cho lương tâm được sáng tỏ đến cùng cực, có vậy rồi ý của ta mới tinh thành, tâm ta mới chính đại mà ta mới tu nhân được để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
***
Như tôi đã nói, Chu Hy giảng chữ cách là đến, cho nên lời chú thích có vẻ mù mờ, khiến cho biết bao thế hệ hoang mang, cứ theo đuổi sự vật để tìm đạo lý, không hiểu rằng đạo lý ở trong tâm ta, hễ ta tu dưỡng làm lành, lánh ác, diệt tà, niệm cho lương tâm được sáng suốt thì sẽ thấy đạo trời và đạo người.
Vậy nguyên do chỉ tại không thoả mãn về lời giải của Chu Hy về bốn chữ cách vật trí tri mà trong ba mươi năm, ngày đêm suy nghĩ, ông lập ra được học thuyết kết tinh trong ba chục chữ sau đây:
Vô thiên vô ác, thị tâm chi thể;
Hữu thiện, hữu ác, thị ý chi động
Tri thiện tri ác, thị lương tri
Vi thiện khứ ác, thị cách vật
Dịch
Không thiện không ác, là cái thể của tâm
Có thiện có ác, là ý phát động
Biết thiện biết ác, là lương tri
Làm thiện bỏ ác, là cách vật.
Thực ra chú thích của Chu Tử mặc dầu lúng túng, gần với ý của Khổng tử hơn là lối giảng của Vương Dương Minh. Khổng Tử hoàn toàn duy tâm như Vương và năm chữ trí tri tại cách vật, hiểu như Lâm Ngữ Đường là: “muốn có cái trí thức chân chính xác đáng thì phải xét kỹ mọi vật” (cách đó là xét đến nơi, xét kỹ) có lẽ đúng hơn cả. Vương chỉ nhìn thấy một khía cạnh của tư tưởng Khổng Tử, nhưng khía cạnh đó ông đã nhìn bằng cặp mắt cực sáng và nhờ đó đã phát huy được một triết lý. Tất nhiên triết lý đó không phải là chân lý tuyệt đối và từ trước tới nay, từ nay tới sau, loài người vẫn phải tìm tòi hoài về triết lý, không chắc bao giờ mới có thể ngưng hẳn được. Nhưng triết lý của Vương rất mới mẻ, mở một khu vực bao la cho người sau nghiên cứu, khu vực của tâm tư và nhất là đã cứu được cái tệ phóng đãng, trụy lạc, bỏ tâm theo vật của người đương thời, do đó mà gây thành tám môn phái ở Trung Quốc, rồi lan rộng sang Nhật Bản, được sỹ phu Nhật rất hoan nghênh. Trung Giang Đằng Thụ (Naketoju) người truyền bá Vương học ở Nhật đã ví Vương với người phát cỏ dọn đường, treo cao tấm bảng tâm học làm đích, chỉ đường quang đãng cho người ta đi tới thánh học.
***
Về phương pháp giáo dục, Vương Dương Minh cũng có những tư tưởng rất mới mẻ.
Trước Tolstoi, trước cả JJ.Rousseau, ông nhận thấy rằng tâm lý trẻ em là thích tự do chạy nhảy, vui chơi mà ghét sự bó buộc. Đọc đoạn dưới đây, ai không bảo là của một nhà tân giáo dục ở thế kỷ chúng ta:
“Trẻ như cây mới đâm mầm, để cho thư sướng thì chúng phát triển mau, nếu câu thúc thì chúng cằn cỗi, cho nên dạy chúng, nên tập cho chúng ca múa… trẻ ngày nay phải học nhiều chữ quá, bị kiềm thúc quá, nhiều khi bị roi vọt, giam trói, không khác bọn tù, trách chi chúng coi trường học như nhà khám, và ông thầy như kẻ thù mà không muốn thấy mặt. Bị cấm đoán, tất nhiên chúng phải lén lút, che đậy để thỏa lòng vui chơi, nghịch ngợm, như vậy có khác chi mong cho chúng làm điều thiện mà lại xua chúng vào nơi ác không?”
Ông mạt sát lối nhồi sọ trẻ: “Dạy sách không cần dạy nhiều mà chỉ cần trẻ hiểu kỹ, tùy sức thông minh của mỗi đứa mà dạy, đứa nào học được hai trăm chữ thì chỉ dạy hai trăm chữ thôi, để tinh thần sức lực chúng không suy yếu đi”. Lời đó, có khắc bảng đồng treo ở các trường sư phạm ngày nay thì cũng vẫn hợp.
Tài cảm hóa môn đệ của Vương cũng đáng cho ta phục. Người ta kể truyện trong một kỳ thi Hội nọ, các quan trường ganh ghét ông, ra cho sĩ tử một đầu bài về Tâm học để gián tiếp bài xích thuyết của ông. Trong số sĩ tử, có nhiều học trò của ông cực chẳng đã phải đi thi để tìm bước tiến thân. Một người thấy đầu bài thở dài nói:
“Có lẽ đâu ta nói ngược lại lẽ phải mà ta đã biết để xu phụ thói đời mà kiếm chút khoa danh cho được”. Rồi khẳng khái cuốn lều chiếu, bỏ trường thi ra về.
Ba người khác, hùng tâm hơn, cứ đem thẳng ý kiến của thầy ra bày tỏ. Có lẽ giám khảo phục cử chỉ quân tử đó mà chấm đậu.
Tới dân mọi rợ ở Long Trường, chịu ơn giáo hóa của ông, cũng kính mến ông, bênh vực ông. Hồi đó ông còn làm cai trạm, viên thái thú sở tại, ghen ghét sai người đến mắng ông, bị thổ dân nổi giận, làm nhục lại. Viên thái thú không dám động đến thổ dân, thưa quan hiếu phó. Viên này viết thư bắt ông tạ tội với viên thái thú. Ông hiên ngang đáp, đại ý rằng:
“Bị đày lại đây, phải sống giữa một nơi đầy chướng khí, ác thú, ma quỷ, có thể chết bất kỳ lúc nào mà tôi vẫn thản nhiên, vì đã coi cái chết như không rồi. Chết mà vì trung tín lễ nghĩa, thì là chết vẻ vang. Còn như không đáng tội chết mà bị hại thì nghĩa là mệnh trời đã hết, bất quá như bị rắn rết, ác thú cắn vậy thôi, có gì mà sợ?”
Đọc bức thư đó, chính kẻ thù của ông cũng phải khâm phục.
***
Như bạn đã biết, ông đương đau, nhưng vì triều đình thiếu người, vua Thế Tôn không còn biết xoay xở ra sao, một mực dụ dỗ ông nên “nghĩ tới trẫm mà giúp lo xã tắc một lần nữa”, nên ông lại đi xa mấy ngàn dặm để dẹp giặc Tư Ân và Bát Trại. Dẹp xong thì bệnh tình của ông trầm trọng, lúc nóng lúc lạnh, ho, mửa ra máu, đi tả và phù thũng. Nguyên do tại ông lao tâm lao lực quá mà lại mắc thêm tà khí ở nơi ma thiêng nước độc. Tháng mười năm 1528, ông dâng sớ cáo quan về dưỡng bệnh. Ông biết nhà vua chưa chắc gì đã chấp thuận, nên viết thư riêng cho một người thân là Vương Quỳnh tại triều, nhờ tâu giúp. Sợ không kịp nhắm mắt ở chốn quê hương, ông giao binh quyền cho quan bố chính Vương Đại Dụng, rồi không đợi chiếu của nhà vua, ông sắm sẵn một chiếc quan tài cho khiêng theo sau, lên đường về Dư Miêu. Môn sinh đi theo thuốc thang, hầu hạ. Mới tới Nam An thì ông mất (1528) thọ năm mươi sáu tuổi.
Trước khi ông tắt thở, môn nhân có người hỏi ông có dặn dò thêm gì về đạo học nữa không. Ông đáp:
“Lòng này quang minh, còn phải lời gì nữa?”
Chỉ một câu đó đủ thâu gồm được mọi mối trong Vương học.
Ông cũng không muốn cho học trò chép những lời dạy bảo của mình in thành sách, vì lẽ:
“Thánh hiền dạy người, như thầy thuốc chữa bệnh, phải tùy bệnh mà lập phương, châm chước… thêm vị này, bớt vị kia, cốt trị được bệnh, chứ không có định thuyết. Nếu câu chấp một bề thì ít khi tránh khỏi tội giết người, nay thầy và các trò chẳng qua là đem những chỗ thiên lệch khuyên bảo lẫn nhau, thế thôi: nếu muốn giữ của mình làm thánh huấn thì sau này, làm sao chuộc cho được cái tội tự lầm mình rồi lại lầm lây cả người khác?”.
Phi một bậc đại trí không thể có tư tưởng khoáng đạt và xác đáng như vậy. Ông đã thấy tâm học của ông không phải là một chân lý tuyệt đối, và sau bao năm tu luyện để đạt được bậc thánh, ông đã khiêm tốn từ chối địa vị đó.
Ông mất rồi, bọn tiểu nhân ở triều đình còn hậm hực bắt bẻ ông đã dám tự tiện bỏ nhiệm vụ mà về quê, không đợi chiếu chỉ. Vua Thế Tôn, hôn ám, nghe lời chúng sàm tấu, không ban tên thụy cho ông và không cho con ông được tập tước theo lệ, như vậy cũng bằng lột hết chức tước của ông. Nhưng từ xưa cái vinh nhục mang những dấu son đỏ choét đó có chút xíu nghĩa lý gì đâu? Đến ngay cái hành động của vua Mục Tôn, bốn chục năm sau, để sửa điều bất công đó đã ban cho ông tên thụy là Văn Thành và cho con ông được tập tước bá, chẳng qua cũng như một nét sổ toẹt trên một vết dơ của ông cha thôi.